Hiệp hội Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) Malaysia vừa công bố báo cáo thị trường việc làm ngành công nghệ thông tin năm 2014.
Căn cứ theo phương pháp sức mua tương đương (PPP), Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trong ngành ICT hấp dẫn nhất trong các nước Đông Nam Á (ASEAN), thậm chí trên các quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển sớm như Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc.
Cụ thể, năm 2013, nếu lấy thu nhập lao động trình độ cao trong ngành công nghệ thông tin tại Malaysia làm gốc, mức thu nhập tại Việt Nam gấp 2,19 lần, trong khi Trung Quốc gấp 1,93 lần, Mỹ gấp 1,9 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Thái lan chỉ gấp khoảng 1,5 lần. So với trước đó một năm, mức lương tại các nước châu Á đều tăng, trong khi các nước châu Âu, châu Mỹ như Anh, Mỹ, Canada lại giảm.
Chủ tịch của Pikom - ông Cheah Kok Hoong đánh giá Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và phải "nhập khẩu" các tài năng công nghệ thông tin nước ngoài để đáp ứng nhu cầu. "Ở Việt Nam, kỹ sư công nghệ thông tin được trả lương bằng đôla Mỹ. Điều này góp phần làm tăng tiền lương," ông nói.
Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang là nơi trả lương cao cho lao động ICT có trình độ cao, gấp gần 3,7 lần tại Kuala Lampur và xếp trên một số thành phố lớn như Thượng Hải, Seatle, New York, Chicago, Hongkong...
Một cuộc khảo sát thị trường nhân lực Việt Nam do JobStreet tiến hành mới đây cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt đối với các nhân sự có kinh nghiệm do các công ty nước ngoài đang mở rộng thị trường sang Việt Nam.
Tuy nhiên, sự chênh lệch thù lao giữa các quốc gia, các thành phố cũng gây nguy cơ cho việc chảy máu chất xám. Tại Malaysia, ông Cheah cảnh báo khoảng cách ngày càng xa về thu nhập với các nước trong khu vực có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng tỷ trọng công nhân lành nghề lên 33% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020, nhằm biến quốc gia này thành nền kinh tế có thu nhập cao.
Thậm chí, tình trạng này tồi tệ thêm khi lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ngày càng giảm. Thống kê từ Bộ Giáo dục Malaysia cho biết lượng sinh viên theo học các khóa công nghệ thông tin đã giảm từ 119.000 người năm 2002 xuống còn 80.000 người năm 2012, số sinh viên tốt nghiệp cũng giảm từ 53.000 xuống 19.500.