Tăng vốn pháp định, chi tiết hóa phạm vi kinh doanh bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai,… là một số điểm nổi bật quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (KDBĐS) vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và có những thay đổi đáng chú ý sau:
Chủ thể kinh doanh bất động sản
Theo quy định tại Luật KDBĐS 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (BĐS) phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp). Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,…
Điều kiện về vốn pháp định
Doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng trong khi theo quy định hiện tại là 6 tỉ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tức hạn chót là ngày 1/7/2016.
Phạm vi kinh doanh BĐS
Trong khi Luật KDBĐS hiện hành quy định rất khái quát thì Luật KDBĐS 2014 đã quy định chi tiết phạm vi, hình thức kinh doanh BĐS đối với từng chủ thể kinh doanh BĐS. Đơn cử như các trường hợp: đối với nhà ở, công trình xây dựng đã tạo lập, các tổ chức, cá nhân trong nước được mua, mua để bán, cho thuê, cho thuê mua hoặc cho thuê lại; Đối với đất được Nhà nước giao hoặc công nhận quyền sử dụng đất thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; Đối với đất được Nhà nước cho thuê hoặc thuê từ tổ chức, hộ gia đình cá nhân khác thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê theo đúng mục đích sử dụng đất,…
Kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai
Luật KDBĐS 2014 đã bổ sung nhiều quy định về hoạt động kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, cụ thể:
Việc kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện khi BĐS đó có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng,… và sau khi được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thông báo về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Cần lưu ý, đối với BĐS hình thành trong tương lai là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở thì chỉ được đưa vào kinh doanh khi có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng. Trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.
Trường hợp bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận này cho bên mua, bên thuê mua.
Bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng dự án, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình và chuyển nhượng hợp đồng mua bán.
Thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, ngoài các quyền cơ bản khác như yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua hoàn thành các thủ tục mua bán nhà, thuê mua nhà, bàn giao nhà đúng thời hạn, còn có quyền đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp do lỗi của bên bán, bên cho thuê mua;…
Kinh doanh dịch vụ BĐS
Luật KDBĐS 2014 đã loại bỏ một số dịch vụ BĐS như định giá, đấu giá, quảng cáo BĐS. Theo đó, từ ngày 1/7/2015, các dịch vụ BĐS được kinh doanh bao gồm dịch vụ môi giới, tư vấn, quản lý BĐS và sàn giao dịch BĐS.
Nguồn: TBKTSG Online