Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế. Bài toán cạnh tranh thời hội nhập đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) những yêu cầu phải vận động, thay đổi mới.
Trong đó, tái cấu trúc DN là điều không thể tránh khỏi. Tái cấu trúc DN có thể hiểu một cách đơn giản là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho DN thực hiện mục tiêu đề ra trong những điều kiện, hoàn cảnh luôn thay đổi.
Thay đổi để phát triển
Tại chương trình kết nối cùng phát triển, cấu trúc DN để hội nhập do Hiệp hội DN quận 3 tổ chức, nhiều ý kiến DN cho rằng, để có thể cạnh tranh với các DN ngoại hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, các DN cần chủ động thay đổi, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới. Thực hiện tái cấu trúc không chỉ giúp DN mở được lối đi an toàn khi gặp “khủng hoảng kinh tế” mà còn để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong quá trình hội nhập. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn có nền kinh tế hiện đại, phải có một hệ thống DN hiện đại, có sức cạnh tranh cao.
Chia sẻ về nội dung này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết sau 2 lần tái cấu trúc nhân sự và chiến lược kinh doanh vào năm 2011 và 2015, từ một DN quy mô nhỏ với chỉ 16 nhân viên và 2 xưởng sản xuất, doanh thu chỉ từ vài trăm triệu đồng/năm, đến nay, công ty đã có quy mô lớn với 16 xưởng sản xuất và trên 1.000 nhân viên, doanh thu mỗi năm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Cùng quan điểm này, bà Thái Vân Linh, Giám đốc Phát triển chiến lược Quỹ Vina Capital, sáng lập thương hiệu thời trang Rita Phil, cũng chia sẻ thời gian đầu khởi nghiệp của Rita Phil gặp rất nhiều khó khăn. Người tiêu dùng quan tâm đến các mẫu mã của Rita Phil, nhưng có vẻ như khó để quyết định chọn sản phẩm nào. Họ đắn đo và thay đổi ý định liên tục. Tình trạng này kéo dài hơn 1 năm, kể từ khi Rita Phil thành lập. Bà Linh quyết định thay đổi. Thay vì tập trung may váy cưới như ý tưởng ban đầu, bà Linh cùng đội ngũ nhân viên chuyển sang sản phẩm đa dạng hơn, như chân váy, áo, áo khoác… Quyết định này được nhiều người đón nhận. Phải nhìn nhận, Rita Phil cũng mắc sai lầm như nhiều công ty khởi nghiệp khác là quá tập trung vào sản xuất, thiết kế sản phẩm mà thiếu tiếp thị. Tất nhiên, giải pháp sửa lỗi ngay lập tức đã được triển khai.
Đại diện Hiệp hội DN quận 3 cho rằng, các DN khi áp dụng tái cấu trúc hoàn toàn có thể tạo ra sự đột phá trong kết quả kinh doanh, từ doanh số tăng lên đến giảm các chi phí không cần thiết và hoạt động được tối đa công suất, năng suất của toàn bộ máy DN. Việc hội nhập quốc tế thành công của DN không chỉ phụ thuộc vào việc tìm ra mô hình hội nhập theo xu hướng thời đại mà còn phải đảm bảo hội nhập bền vững. Muốn vậy phải tăng được “sức đề kháng”, tức khả năng thích nghi, năng lực kết nối, sự thông minh, nhạy bén và phối hợp quy mô toàn cầu cho DN đạt hiệu quả trong kinh doanh, chịu đựng được sóng gió của thị trường và kiểm soát tốt các rủi ro khi vận hành DN và phát triển bền vững. Hiện nay, các DN hội nhập cần tái cấu trúc có thể chia thành 3 loại: Loại 1 là đang sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản; loại 2 là DN khởi nghiệp có khả năng phát triển nhưng cách thức hoạt động chưa hiệu quả; loại 3 là DN đã phát triển và muốn phát triển vượt bậc đột phá.
DN phải định vị chính mình
Các DN có quy mô nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp lại băn khoăn và khó khăn trong việc xác định cấu trúc DN như thế nào, bắt đầu từ đâu? Có công thức, quy trình nào chung cho việc thực hiện tái cấu trúc?
Nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều công thức cho việc tái cấu trúc DN để hội nhập. Tuy nhiên về cơ bản, công thức chỉ là cách thức chung để các DN xem xét, tham khảo, còn việc áp dụng công thức đó như thế nào còn tùy thuộc vào từng DN cụ thể. Những DN lớn sẽ có cách thức tái cấu trúc doanh số khác với DN vừa và nhỏ, tùy thuộc vào năng lực nội tại về nguồn lực tài chính, nhân sự, thương hiệu, sản phẩm thị trường mà có những quyết sách phù hợp. Chia sẻ về vấn đề này, bà Thái Vân Linh cho rằng, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng, hướng đi chủ yếu của lãnh đạo công ty đó, họ muốn cái gì? Doanh số, thị trường hay khách hàng? Nên sẽ không có công thức nào chung cả. Bà Linh cho biết thêm, để có thể thâm nhập và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, một mặt phải đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự; mặt khác, phải ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ.
Nhiều DN cũng nhận định, luôn tồn tại những rào cản khách quan cũng như chủ quan trong quá trình tái cấu trúc như xung đột về lợi ích, sai lầm trong cách xử lý tài chính hay lựa chọn mô hình hoạt động mới không thích hợp với hoàn cảnh thực tế, là nguyên nhân chính khiến nhiều DN Việt Nam dè dặt và lúng túng trong việc đưa ra quyết định chủ động tái cấu trúc hay bị động chờ thời cơ thích hợp hơn. Bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết thêm, trong quá trình thực hiện tái cấu trúc DN, công ty cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong đó phải kể đến sự hòa hợp, đồng thuận giữa người mới và người cũ. Nếu lãnh đạo không có giải pháp phù hợp để dung hòa chuyện này thì công ty sẽ gặp rủi ro nhiều hơn. Nói cách khác, DN phải định vị chính mình. Trao đổi về nội dung này, ông Mã Thành Danh, Phó Tổng giám đốc Công ty KIDO, nhận định tái cấu trúc là quá trình nâng cao thể trạng của DN trên nền tảng hiện có, là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản trong DN nhằm giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái” tốt hơn để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Các DN sẽ phải quyết định cho mình thay đổi để hội nhập hay tự tụt lại phía sau khi mà các cam kết thương mại của Việt Nam đang đến gần giai đoạn thực hiện. Đây chính là các yếu tố quan trọng làm cho các DN phải thay đổi mình. Ông Danh cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc, cần thiết phải đưa ra một quy định, một luật chung để người mới vào phải theo đó mà thực hiện.
Nguồn: PV Minh Hải - Báo SGGP